Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) An Giang vừa tổ chức Hội nghị sơ kết kế hoạch sản xuất, liên kết tiêu thụ năm 2023 và triển khai kế hoạch trồng trọt năm 2024.
Theo Sở NN-PTNT An Giang, năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện xuống giống được hơn 616 nghìn ha lúa, nếp tăng hơn 8,8 nghìn ha so cùng kỳ, sản lượng cả năm ước đạt gần 4,1 triệu tấn, tăng hơn 152.000 tấn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, cây ăn trái diện tích gieo trồng gần 20 nghìn ha, ước tính tổng sản lượng thu hoạch ăn trái 234.000 tấn, tăng 16.000 tấn so cùng kỳ.
Diện tích gieo trồng rau màu gần 49,6 nghìn ha, tăng hơn 1.080 ha so cùng kỳ, năng suất các loại hoa màu tương đối ổn định. Đồng thời, thông qua các doanh nghiệp và các hợp tác xã (HTX), chợ đầu mối, siêu thị, thương lái trong và ngoài tỉnh đã liên kết sản xuất và tiêu thụ với diện tích lúa, nếp là 99 nghìn ha, diện tích rau màu là 31 nghìn ha, diện tích các loại cây ăn trái là gần 18 nghìn ha.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: “An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL đứng thứ 2 về diện tích sản xuất lúa gạo chỉ sau Kiên Giang nhưng năng suất lúa An Giang luôn dẫn đầu ở khu vực ĐBSCL. Bình quân hàng năm An Giang sản xuất hơn 630 nghìn ha lúa là một trong những nguồn cung cấp lúa gạo rất lớn cho nhu cầu trong và ngoài nước. Trong cơ cấu giống có tỷ lệ lúa chất lượng cao và lúa thơm cũng tăng dần qua từng năm đến nay đã chiếm hơn 75% diện tích sản xuất”.
Liên kết với doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng để An Giang có thể chuẩn bị tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Bộ NN-PTNT xây dựng vừa được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, An Giang đã đăng ký tham gia Đề án với lộ trình 100.000 ha đến năm 2025 và 150.000 ha đến năm 2030.
Với sản lượng gạo lớn, trong tháng 10 vừa qua, An Giang ước xuất khẩu đạt 50,6 nghìn tấn, tương đương 30,4 triệu USD, ước kim ngạch xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm đạt 490,7 nghìn tấn, tương đương 278,9 triệu USD so với cùng kỳ tăng 10,88% về sản lượng và tăng 14,63% về kim ngạch. Thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường châu Á (Trung Quốc, Malaysia, Singapore,…), châu Phi (Ghana,…), châu Âu (Pháp, Đức, Bồ Đào Nha,…), châu Mỹ (Mỹ, Brazil,…) và châu Đại Dương.
An Giang luôn chủ động trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nên tỷ lệ áp dụng chương trình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” luôn được chú trọng. Theo thống kê đến nay toàn tỉnh có khoảng 90% diện tích canh tác lúa đều áp dụng “3 giảm 3 tăng”, 47% diện tích áp dụng “1 phải 5 giảm”.
Trong thời gian tới, An Giang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm. Từ đó hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mạnh nhằm giúp nông dân giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ TTP GLOBAL
- Hotline: 0938 432 788
- Facebook: https://facebook.com/TTP.GLOBAL.JSC
- Website: https://ttpglobal.com.vn
- Địa chỉ: 186-188 Nguyễn Duy, P. 9, Q.8, TP. HCM.